Trang trại nuôi bò của ông Sung rộng hơn 1,ôngdânxuấtngoạihọcnuôibòsiêuthịty ca cuoc ma cao5 ha nằm ở bãi bồi nhánh sông Thu Bồn, xã Điện Quang, thị xã Điện Bàn, hiện nuôi 270 con bò 3B (Blanc blue belgium) giống ngoại. Ông Sung thiết kế chuồng ở bốn khu vực, mỗi khu rộng 1.000 m2. Đàn bê con được thả rông trên bãi bồi, con trưởng thành sẽ nuôi nhốt.
Ông Sung quê xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, sau khi cưới vợ thì mưu sinh bằng nghề lái bò. Hàng tháng, ông qua Lào, Thái Lan mua bò về bán. Thấy bò Thái nhập về to lớn gấp đôi bò ta, ông cứ thắc mắc khí hậu Việt Nam tương đồng sao không nuôi được bò to như vậy.
Để trả lời câu hỏi đó, cứ mỗi khi sang Lào, Thái Lan mua bò, ông lại đến các trang trại tìm hiểu. Thậm chí trong 20 năm qua lại các nước, ông dành hẳn 5 năm đi làm thuê tại trang trại nuôi bò của người Thái Lan để tích lũy kinh nghiệm.
Ông Sung kể, người Thái nuôi bò đẻ, con non nhốt trong chuồng, cho ăn cỏ, cám, sau 10 tháng thì xuất bán. Họ đặc biệt chú trọng tiêm vaccine, thuốc phòng trừ dịch bệnh nên đàn bò phát triển khỏe mạnh. Cách nuôi khoa học nên mỗi trang trại rộng 5 ha, hai vợ chồng nuôi hơn 1.000 con bò mà vẫn nhàn.
Ấp ủ kế hoạch chăn nuôi, ông Sung sang Australia, nơi có trang trại bò và nền công nghiệp thịt bò phát triển hàng đầu thế giới, để học hỏi. Nhưng ông thấy đất đai họ rộng, các công đoạn đều sử dụng máy móc, cần vốn đầu tư rất lớn nên không phù hợp với Việt Nam.
Về nước năm 2014, ông bắt đầu thuê đất mở trang trại nuôi bò ở quê nhà. Gõ cửa nhiều nơi xin thuê khoảng 10 ha đất, nhưng đều bị từ chối khiến ông chán nản. Đúng lúc đó người con trai tốt nghiệp Đại học Kinh tế thuyết phục: "Ba có kinh nghiệm chăn nuôi bò từ nước ngoài thì nên làm. Thị trường thịt bò lớn, nếu bò được phòng trừ dịch bệnh thì chắc chắn lãi".
Được con ủng hộ, ông Sung lại đến vùng ven sông xã Điện Quang gặp 10 hộ dân thuê 1,5 ha đất trong ngắn hạn. Thấy ông bảo thuê đất nuôi bò, nhiều người khuyên từ bỏ bởi một số doanh nghiệp đã đầu tư hàng chục tỷ đồng nhưng phá sản. Lý do diện tích đất nhỏ, không đủ trồng cỏ làm thức ăn cho bò.
Năm 2016, ngoài số vốn cá nhân, ông vay ngân hàng 5 tỷ đồng xây trang trại và nhập 150 con bò 3B về nuôi. Có nguồn gốc từ Bỉ, bò 3B hiền lành, cao to, được ví như "cỗ máy sản xuất thịt". Mỗi con trưởng thành nặng 600-1.000 kg, lượng thịt đạt 250-500 kg, gấp nhiều lần so với giống bò trong nước.
Ông Sung tính toán nếu cho bò ăn cỏ, cám giống như ở Thái Lan thì cần diện tích đất trồng cỏ lớn, chi phí cao và tốn nhân công vì mỗi kg cám giá 15.000-30.000 đồng. Vùng đất Điện Quang và các xã ven sông chuyên trồng hoa màu ngắn ngày, mỗi vụ sau thu hoạch nông dân vứt rất nhiều cây ngô, lạc.
Ông mang những phế phẩm này về cho vào máy cắt nhỏ, mua thêm bã đậu nành, bã bia rượu, cây mía nhà máy loại bỏ, tất cả bỏ vào bao tải lớn bịt kín ủ lên men làm thức ăn cho bò. "Sử dụng phụ phẩm nông nghiệp giảm gần 80% chi phí so với cho bò ăn cỏ và cám. Bò cũng ít bị bệnh tật, thịt ngon hơn", ông giải thích.
Học người Thái, ông Sung tự làm bác sĩ thú y cho đàn bò vì "chăn nuôi mà không làm chủ được phòng bệnh thì coi như bỏ". Mỗi lứa ông mua bê con giá 15 triệu đồng, sau 8-10 tháng vỗ béo xuất bán 30 triệu đồng. Cách nuôi này rút ngắn thời gian so với người dân nuôi 18 tháng mới bán.
Bò được ông Sung bán đi Trung Quốc và các tỉnh Bắc Trung bộ, Hà Nội. "Mỗi lứa tôi nuôi 270 con, trừ chi phí lãi khoảng 3 tỷ đồng. Phân bò được tận thu bằng cách phơi khô, đóng bao bán. Ở trang trại, cứ sau ba ngày bán 200 bao phân, giá 25.000 đồng/bao", ông kể.
Năm 2019, ông Sung thành lập Hợp tác xã chăn nuôi công nghệ cao Gò Nỗi để chuyển giao kỹ thuật nuôi bò cho hộ nông dân. Hợp tác xã xây dựng nhà máy chế biến thức ăn cho bò, liên kết với hộ nông dân trồng bắp thương phẩm, sắn, cỏ để làm nguyên liệu. Cơ sở này còn cung cấp thuốc thú y phòng trừ dịch bệnh và bao tiêu toàn bộ bò thịt của người chăn nuôi.
Đến nay, ông Sung đã đầu tư hơn 10 tỷ đồng vào trang trại. Hai con trai sau khi tốt nghiệp đại học đã về giúp ông quản lý và vận hành trang trại. Mong muốn lớn nhất của ông là thuê được diện tích đất lớn hơn, lâu hơn để nuôi hơn 1.000 con bò. Ngoài bò thịt, ông dự định nuôi bò sinh sản để chủ động con giống.
Trưởng phòng Kinh tế thị xã Điện Bàn Nguyễn Đức Chơi đánh giá trang trại của ông Sung lớn nhất tỉnh, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Bản thân ông có kinh nghiệm chăn nuôi và tiêu thụ bò hơn 20 năm ở Đông Nam Á. "Rất tiếc chính sách thuê đất còn vướng mắc nên quy mô trang trại vẫn còn nhỏ", ông Chơi nói.